“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

Hoàn cảnh của U23 Việt Nam hiện tại gợi nhớ đến trường hợp của tuyển Ý ở VCK Euro 2004 khi cơ hội đi tiếp tưởng chừng nằm chắc trong tầm tay lại phụ thuộc vào tinh thần “chơi đẹp” của các đối thủ.

“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

Tuyển Ý là nạn nhân nổi tiếng của việc ưu tiên thành tích đối đầu khi xếp hạng các đội bằng điểm – Ảnh: GETTY IMAGES

Câu chuyện năm đó ở Euro 2004 được nhớ đến như một trong những vết nhơ đáng quên của lịch sử bóng đá.

Vết nhơ và bi kịch của tuyển Ý

Trước thềm lượt trận cuối cùng của bảng C VCK Euro 2004, Ý có 2 điểm sau 2 trận hòa Đan Mạch (0-0) và Thụy Điển (1-1), còn 2 đội bóng này có 4 điểm. Nhiệm vụ đi tiếp của Ý có vẻ khá dễ dàng khi họ chỉ phải gặp đội yếu nhất bảng Bulgaria ở lượt trận cuối, còn Đan Mạch và Thụy Điển phải chạm trán nhau.

Phút 90+4 trận Ý – Bulgaria, Cassano ghi bàn ấn định giúp Ý thắng 2-1. Anh vỡ òa hạnh phúc và chạy đến ăn mừng cùng các đồng đội. Nhưng rồi đồng đội Panucci tiến đến và nói cho mọi người biết, trận đấu cùng giờ giữa Thụy Điển và Đan Mạch đã kết thúc với tỉ số hòa 2-2 (Jonson ghi bàn gỡ hòa 2-2 cho Thụy Điển ở phút… 89).

Điều này đồng nghĩa với việc tuyển Ý bị loại vì thua kém thành tích đối đầu, dù có cùng 5 điểm với Thụy Điển và Đan Mạch. Tỉ số hòa 2-2 giữa hai đội bóng cùng thuộc vùng Scandinavia là vừa đủ để loại tuyển Ý cho dù họ có thắng Bulgaria bao nhiêu bàn đi nữa.

Những giọt nước mắt tưởng chừng vì hạnh phúc của Cassano nhanh chóng biến thành những giọt nước mắt đau khổ. Một trong những hình ảnh giàu cảm xúc nhất, và cũng là đáng quên nhất lịch sử bóng đá đỉnh cao.

“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

Các CĐV Đan Mạch thậm chí đã giương băngrôn kêu gọi Thụy Điển cùng hòa 2-2 để loại Ý từ trước trận – Ảnh: REUTERS

Hoàn cảnh đó giờ đây lại vận vào U23 Việt Nam một cách gần tương tự. Vì đã hòa Thái Lan 2-2 và Hàn Quốc 1-1, các học trò của HLV Gong Oh Kyun chỉ mặc nhiên bị loại nếu hai đối thủ này hòa nhau 3-3 ở lượt trận cuối cùng.

Trong trường hợp 2 đội này hòa nhau 2-2, cả ba sẽ có cùng thành tích đối đầu, và hiệu số bàn thắng toàn vòng bảng là yếu tố tiếp theo được tính đến. Do cả Thái Lan lẫn Hàn Quốc đều thắng Malaysia cách biệt đến 3 bàn, nên một trận hòa 2-2 cũng gần như là đủ để Thái Lan và Hàn Quốc cùng đi tiếp.

Xu hướng nghiêng về hiệu số

Bi kịch liệu có lặp lại? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải nhìn nhận nó dưới góc độ luật bóng đá. Suốt nhiều thập niên, những nhà quản lý bóng đá đã suy tính rất nhiều để các trận đấu hấp dẫn hơn, minh bạch hơn và fair-play hơn.

“Lượt đấu cuối cùng” là một trong những yếu tố từng khiến FIFA đau đầu, khi họ phải phân vân lựa chọn mức độ ưu tiên giữa những yếu tố phụ phân thắng bại (tiebreaker) – chính xác là giữa “hiệu số bàn thắng bại” và “thành tích đối đầu”.

Từ nhiều thập niên trước, những nền bóng đá văn minh nhất, đi tiên phong là Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã chọn thành tích đối đầu, và FIFA cũng vậy.

Nhưng sau bao năm tháng, bóng đá hiện đại ngày càng nặng nề tính chiến thuật, ít cảm xúc, và còn bị bóng ma dàn xếp tỉ số đe dọa. Những quan điểm ban đầu về bóng đá ngày càng thay đổi, dẫn đến sự chia rẽ giữa FIFA và UEFA.

“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

Số phận U23 Việt Nam phụ thuộc vào trận đấu giữa Thái Lan và Hàn Quốc – Ảnh: AFC

Từ World Cup 2010, FIFA chính thức ưu tiên “hiệu số bàn thắng bại” đứng trên “thành tích đối đầu”. Từ đó chúng ta thấy một tình trạng tréo ngoe, khi giải đấu bao trùm làng bóng đá là World Cup lại khác luật với những giải “cò con”.

Ai đúng, ai sai? Chính xác hơn, vấn đề là ai tối ưu hơn? Một số nghiên cứu khoa học thời gian qua lý giải cho xu hướng của FIFA.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ thần kinh học người Pháp Yannick Berker, ông đặt ra khái niệm heteronomous relative ranking (tạm dịch: bảng xếp hạng không tự chủ, HRR), tức chỉ việc thứ hạng của một đội bóng có thể bị ảnh hưởng bởi những trận đấu không liên quan đến họ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy với một nhóm 4 đội, chỉ số HRR tồn tại hơn 10% khi ưu tiên thành tích đối đầu. Và khi ưu tiên hiệu số bàn thắng bại thì con số tương ứng chỉ là 0,1%.

Một ví dụ trực quan cũng cho chúng ta thấy rõ ràng điều đó, như trường hợp của U23 Việt Nam hiện tại. Nếu AFC ưu tiên hiệu số bàn thắng bại, các học trò của HLV Gong Oh Kyun đơn giản chỉ cần thắng Malaysia càng đậm càng tốt, thay vì hồi hộp lo lắng chuyện tỉ số ở trận Hàn Quốc và Thái Lan.

Tất nhiên, đó cũng chỉ là một góc độ. Việc ưu tiên hiệu số bàn thắng bại cũng dễ dẫn đến nhiều yếu tố tiêu cực khác, mà lịch sử bóng đá Nam Mỹ thường đầy rẫy. Chọn phương án nào vì thế là bài toán đau đầu với những nhà quản lý bóng đá.

Nghi ngờ mãi mãi chỉ là nghi ngờ

Không ai có thể nói chính xác về việc liệu Thụy Điển và Đan Mạch có dàn xếp tỉ số ở Euro 2004 hay không. Nhưng những kết quả nghiên cứu tạo nên cơ sở để nghi ngờ, một khảo sát của các nhà cái cho thấy tỉ lệ xuất hiện tỉ số 2-2 trong các trận bóng đá chỉ vào khoảng 5%.

Không chỉ có FIFA, Giải ngoại hạng Anh từ lâu cũng đã ưu tiên việc xếp hạng dựa trên hiệu số bàn thắng thay cho thành tích đối đầu. Và UEFA với việc bãi bỏ luật bàn thắng sân khách cũng đang tìm cách hạn chế sự nặng nề của yếu tố thành tích đối đầu.

“Bóng ma” từ bi kịch tuyển Ý đe dọa U23 Việt Nam

Theo tuoitre.vn