Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Chứng kiến những cầu thủ gốc Hà Tĩnh liên tục chơi ấn tượng, tỏa sáng tại các giải U15, U17 quốc gia, góp công đem về danh hiệu cho những đội bóng khác, giới chuyên môn và người hâm mộ rất ái ngại vì tình trạng “chảy máu” nhân tài bóng đá của tỉnh nhà.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Nhờ được chú trọng đầu tư, bóng đá trẻ Hà Tĩnh đang dần khởi sắc. Ảnh Hoàng Cường

Trong những năm qua, với sự quyết tâm của các cầu thủ và ban huấn luyện, bóng đá trẻ Hà Tĩnh liên tục giành quyền lọt vào vòng chung kết các giải thiếu niên – nhi đồng toàn quốc. Đội U13 Hà Tĩnh (lứa cầu thủ SN 2008) đoạt tấm HCB lịch sử tại Giải Bóng đá U13 quốc gia 2021.

Thế nhưng, bảng thành tích ấy có thể sẽ rực rỡ hơn nhiều nếu các đội trẻ của chúng ta sở hữu những cầu thủ sinh năm 2006-2007 quê Hà Tĩnh đang thi đấu thành công trong màu áo các đội bóng khác.

Sau Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh năm 2018, 12 cầu thủ bóng đá chơi nổi bật nhất từ các địa phương đã được lựa chọn để thành lập đội U11 Hà Tĩnh, tham gia Giải Bóng đá Cup Milo toàn quốc. Sau giải này, 11/12 cầu thủ U11 Hà Tĩnh ký hợp đồng đào tạo, tập chuyên nghiệp cho các CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA), Huế, VSH T&T, PVF. Đó chính là nguyên nhân mà trải qua 5 đợt tuyển sinh, ban tuyển trạch Hà Tĩnh không thể lựa chọn đủ 25 em (SN 2007) đạt chuyên môn để thành lập đội U12 lúc bấy giờ.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Cầu thủ trẻ Hà Tĩnh quyết tâm tập luyện. Ảnh Quang Sáng

Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện & Thi đấu TDTT Hà Tĩnh vẫn duy trì ổn định 3 tuyến bóng đá trẻ gồm U12, U14 và U17 mà không có đội U15 (lứa SN 2007). Thật đáng tiếc bởi những cầu thủ SN 2007 gốc Hà Tĩnh đang thi đấu ở một số CLB khác lại cho thấy năng lực vượt trội so với các lứa tuổi còn lại.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Lê Anh Đức đang thi đấu ấn tượng trong màu áo các đội trẻ của PVF

Ngoài tên tuổi “Messi Hà Tĩnh” Lê Anh Đức đã quá quen thuộc với giới truyền thông và người hâm mộ, còn rất nhiều gương mặt SN 2007 xuất chúng khác như: Trần Quốc Hòa, Nguyễn Anh Dũng, Võ Tá Tuấn Anh, Lê Đình Mạnh, Nguyễn Đăng Khoa, Lê Xuân Đăng, Võ Xuân Thiện, Phạm Anh Tuấn…

Đáng chú ý, tiền đạo Trần Quốc Hòa (quê xã Ích Hậu, Lộc Hà) – số 10 của U15 SLNA luôn duy trì phong độ săn bàn ổn định từ U11 đến nay, trở thành cầu thủ đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia nhất. Một cầu thủ khoác áo số 10 khác quê ở miền sơn cước Vũ Quang cũng tài năng không kém.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Trong màu áo đội trẻ SLNA, Trần Quốc Hòa thi đấu ngày một trưởng thành. Ảnh: Báo Nghệ An.

Chân sút Nguyễn Đăng Khoa – Đội trưởng U15 Huế thi đấu bùng nổ ở vòng chung kết Giải Bóng đá U15 quốc gia 2022, góp công lớn giúp đội bóng cố đô giành HCĐ và vinh dự được gọi lên đội tuyển U17 Việt Nam. Có thể nói rằng, nếu hội tụ những cầu thủ SN 2007 gốc Hà Tĩnh tại các CLB lại thành một tập thể, thì đội hình “made in Hà Tĩnh” này thừa sức cạnh tranh với nhiều đội bóng lớn trên sân chơi toàn quốc.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

HLV Trần Đức Toản chỉ đạo chiến thuật cho học trò. Ảnh Hoàng Cường

Lứa SN 2006 hiện có 6 cầu thủ thi đấu xa quê, trong đó, 2 tiền vệ Lê Đình Long Vũ và Dương Đình Nguyên (quê Thạch Hà) đang đóng vai trò trụ cột ở U17 SLNA và U17 Hà Nội. Thể hình lý tưởng (cao 1,72m), tốc độ càn lướt tốt, chơi xông xáo, năng nổ, tích cực di chuyển, Lê Đình Long Vũ hoàn toàn xứng đáng với vị trí chính thức trên hàng công đội tuyển U17 Việt Nam.

Còn Dương Đình Nguyên với cái chân trái khéo léo đã có nhiều đường chuyền sắc sảo cho đồng đội lập công. Kèo trái của U17 Hà Nội được ví như một Quang Hải mới của đội bóng thủ Đô nhờ kỹ năng đá phạt hàng rào hiểm hóc. Hay tiền vệ Nguyễn Trọng Sơn (quê Cẩm Xuyên) dù thể hình nhỏ con nhưng sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt, đi bóng lắt léo. Phong cách chơi bóng của Trọng Sơn khá giống ngôi sao Phan Văn Đức và số 19 Sơn “dị” luôn cho thấy mũi khoan nguy hiểm bên hành lang cánh trái đội trẻ SLNA.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – HLV bóng đá trẻ Hà Tĩnh chia sẻ: “Nguyên nhân dẫn đến việc “chảy máu” tài năng trẻ bắt nguồn từ việc tỉnh trước đây chưa có đội bóng chuyên nghiệp. Từng có nhiều cầu thủ được đào tạo bài bản lên đến 19 tuổi nhưng việc Hà Tĩnh không có đội bóng khiến các em phải đầu quân cho đội khác.

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Ông Nguyễn Văn Thịnh – HLV bóng đá trẻ Hà Tĩnh trong buổi tập luyện của đội trẻ HLHT.

Năm 2019, đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được thành lập, đây có thể coi là bước ngoặt để có thể giữ chân các tài năng. Từ năm 2020, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT cùng với ban huấn luyện đào tạo trẻ đã làm việc với 6 trung tâm đào tạo ở các huyện nhằm bám nắm thông tin để có kế hoạch chiêu mộ, đào tạo các cầu thủ”.

Rõ ràng, Hà Tĩnh là mảnh đất nhiều tiềm năng về cầu thủ bóng đá nên suốt những năm qua, một số trung tâm, học viện đào tạo trẻ như SLNA, Hà Nội, PVF, Juventus đã về đây tìm kiếm những viên ngọc thô tiềm năng. Chính vì thế mà U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hiện tại (lứa SN 2005-2006) dù chiêu mộ đủ 26 thành viên và HLV Võ Hoàng có “mát tay” đến mấy cũng không thể lấp đầy những thiếu hụt.

Trái ngược hình ảnh không mấy khả quan mà đàn anh U17 thể hiện, đội U15 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh “trình làng” dàn cầu thủ SN 2008-2009 thể hình đồng đều, tư duy chơi bóng hiện đại, khoa học, sáng tạo. Tấm HCB sân chơi U13 Quốc gia năm 2021 là kỳ tích lịch sử mà đoàn quân do HLV Trần Đức Toản dẫn dắt mang về cho bóng đá trẻ Hà Tĩnh.

Dẫu vậy, lứa này Hà Tĩnh vẫn “lọt” mất nhiều gương mặt khá hay đầu quân vào CLB khác như: Lê Tấn Dũng (SLNA); Dương Bảo Quốc và Trần Thanh Tú (HAGL); Đậu Hồng Phong, Nguyễn Long Nhật (Hà Nội); Đậu Quang Hưng (Juventus)…

Bóng đá trẻ Hà Tĩnh: Tia hy vọng sau chuỗi “chảy máu” tài năng

Các cầu thủ U13 HLHT chăm chỉ tập luyện.

Ông Võ Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chia sẻ: “Sau khi CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được chuyển giao từ Hà Nội B về tỉnh Hà Tĩnh thi đấu giải hạng nhất rồi lên V.League, bóng đá trẻ Hà Tĩnh mới bắt đầu được quan tâm, chú trọng.

Thực hiện Nghị quyết 154/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển bóng đá Hà Tĩnh đến năm 2030, tháng 8/2019, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Tĩnh triển khai tuyển sinh bóng đá trẻ trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 11/10/2019, Sở VH-TT&DL chính thức khai giảng lớp bóng đá trẻ U11 và U13.

Tuy nhiên, do trước đó nhiều cầu thủ nhí người Hà Tĩnh đã gia nhập các lò đào tạo trong nước nên chất lượng chuyên môn số học sinh còn lại không thật sự cao, nhất là lứa tuổi SN 2007.

Xác định bóng đá trẻ là vô cùng quan trọng, chúng tôi đã xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn, chú trọng nâng cao công tác đào tạo chuyên môn, đầu tư giáo án luyện tập để cầu thủ trẻ phát huy hết khả năng. Trung tâm cũng đã đề xuất tỉnh đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất, sân tập, tăng chế độ ăn uống… để các em có điều kiện tập luyện tốt hơn”.

Văn Vũ – Ngọc Thắng